Tuổi hưu 'an nhàn', mức đóng BHXH phải sát với lương thực tế
Nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm (thay vì 20 năm), mức lương làm căn cứ đóng BHXH phải sát với lương thực tế của người lao động. Có như vậy thì lương hưu mới đủ sống.
Lời tòa soạn:
Số người lao động rút BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước cho thấy thực tế đáng lo, rất nhiều người về già sẽ không có lương hưu. Việc rút BHXH một lần rồi đóng trở lại cũng có những hệ lụy với cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Những bất cập thấy rõ là vấn đề chế độ đóng hưởng lương hưu còn thấp, người lao động chân tay đối mặt với thực trạng "tuổi nghề ngắn, tuổi hưu quá dài", hết tuổi được tuyển dụng phải rút BHXH để tiêu.
Báo VietNamNet phản ánh thực trạng trên, góp phần nhận diện rõ hơn và mong muốn sớm có những thay đổi phù hợp khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi với những đề xuất mới đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Lương hưu thấp vì mức đóng BHXH thấp
Chị Lê Thị Hương làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội cho biết, hiện mức thu nhập của chị khoảng 8 triệu đồng/tháng, bao gồm lương cơ bản, tiền trực và các phụ cấp khác. Tuy nhiên, mức lương đóng BHXH của chị Hương chỉ hơn 4 triệu đồng.
Với mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp như vậy, khi đến tuổi nghỉ hưu, dù hưởng tối đa 75% thì lương hưu của chị Hương vẫn rất thấp, không thể đủ sống.
“Nếu không có tích cóp, không biết khi về già sống giữa Thủ đô tôi sẽ xoay xở thế nào”, chị Hương băn khoăn.
Mức lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, thời gian tham gia BHXH ngắn sẽ dẫn đến tình trạng người lao động nhận lương hưu thấp. Ảnh minh hoạ: BHXH Việt Nam.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM nêu thực tế, hiện nay nhiều người dù tham gia đóng BHXH dài 30-35 năm, nhưng khi về già lương hưu không đủ sống do mức đóng BHXH thấp.
Theo quy định, việc đóng BHXH dựa trên lương và các khoản phụ cấp kèm theo thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp lại “lách luật” thông qua việc chia thu nhập thành 2 phần và chỉ đóng mức bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu, còn các khoản phụ cấp lại không được tính đóng, nên người lao động đóng BHXH rất thấp.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiền lương tháng tính đóng BHXH bình quân cả nước năm 2022 là 5,73 triệu đồng/người. Khu vực đóng cao hơn là doanh nghiệp FDI (Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài), còn thấp nhất vẫn là doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Thực tế vẫn còn doanh nghiệp tách riêng các khoản phúc lợi, không tính vào lương đóng BHXH, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách lương hưu của người lao động khi về già.
Phải đóng BHXH với mức sát lương thực tế
Để nâng cao mức lương hưu cho người lao động, trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH đang được lấy ý kiến đưa ra 2 phương án tính tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hằng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.
Muốn hưởng lương hưu cao, phải đóng BHXH ở mức cao, thời gian tham gia BHXH nam đủ 35 năm, nữ 30 năm. Ảnh: Hồ Văn
Phương án 2, tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Với phương án này, tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động.
Tuy nhiên, góp ý với Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH về phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, hiệp hội 8 doanh nghiệp (Hiệp hội Doanh nghiệp) sau khi đánh giá lại đề xuất 2 phương án khác.
Phương án thứ nhất, đưa tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc về mức của năm 2009, tức là người lao động 5% và người sử dụng lao động 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25% hiện nay (người lao động 8%, người sử dụng lao động 17%).
Tuy nhiên, mức nền đóng BHXH sẽ không căn cứ vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác… mà đóng trên 70% thu nhập thực tế của người lao động. Như vậy sẽ khoa học, phù hợp thực tế hơn, thu nhập nhiều sẽ đóng nhiều và ngược lại.
Phương án thứ hai, giảm tiếp tỷ lệ đóng so với phương án 1. Người lao động đóng 4% và người sử dụng lao động đóng 12%, tổng cộng 16%. Tuy nhiên, nền đóng sẽ dựa trên thu nhập thực tế, trừ một số khoản không có tính chất lương. Như vậy, nền đóng đã chiếm tới khoảng 90% tiền lương thực tế của người lao động…
Về vấn đề trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, Luật BHXH nên quy định đóng trên nền 70-80% thu nhập của người lao động ở mức ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ % đóng BHXH của người lao động và doanh nghiệp không nên giảm mà vẫn giữ nguyên mức 25% như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo lương hưu của người lao động được cải thiện.
Kỳ tới: Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm, lương hưu có thấp?
Hệ lụy khi người lao động rút BHXH một lần rồi đóng lại
Tuổi nghề ngắn, tuổi nghỉ hưu quá dài nên có nhiều trường hợp người lao động dù không quá khó khăn vẫn chọn rút BHXH một lần rồi tiếp tục tìm việc làm mới, đóng bảo hiểm vòng hai.
Hết tiền tích lũy, số người rút BHXH một lần tăng từng năm
Nhiều cảnh ngộ phải lựa chọn rút BHXH một lần như cứu cánh để trang trải cuộc sống. Đáng lo hơn, trong giai đoạn 2016 - 2021, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Bình luận
Tags:BHXH
Lao động
Tăng lương
Lương hưu
Tin cùng chuyên mục