Thị trường tài chính thế giới tích cực trước cú ‘hạ màn’ cuối năm 2022
Thị trường tài chính thế giới diễn biến tích cực trước khi các ngân hàng trung ương lớn có những quyết định về chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm biến động 2022.
Thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm mạnh trở lại, trong khi đồng USD suy yếu bất chấp việc Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất lần thứ 7 trong năm 2022, vào cuộc họp đêm nay 13/12 (giờ Việt Nam).
Chỉ số công nghiệp Dow Jones vọt hơn 500 điểm khi giới đầu tư đang chờ số liệu lạm phát và cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhóm cổ phiếu ngành năng lượng khởi sắc khi giá dầu tăng trở lại sau nhiều tuần sụt giảm.
Trong tuần này, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ kết thúc một năm với những đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong 4 thập kỷ. Fed đã tăng lãi suất thêm 6 lần, với tổng cộng 375 điểm phần trăm từ 0-0,25% lên 3,75-4% trong năm 2022.
Trong cuộc họp cuối cùng đêm 14/12 (giờ Việt Nam), Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm lên 4-4,5%/năm và có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần, mỗi lần 25 điểm trong nửa đầu năm 2023 và dừng ở mức đỉnh khoảng 5%/năm.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại. (Ảnh: CNBC)
Tối 13/12, khoảng 20h30 (giờ Việt Nam), Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là một tín hiệu rất quan trọng để Fed cân nhắc về lộ trình điều chỉnh lãi suất của 2023.
Các tổ chức lớn có dự báo trung bình lạm phát Mỹ ở mức 7,3% (Bloomberg dự báo 7,2%, Citi 7,2%, JP Morgan 7,3%, Scotiabank 7,4%...). Trong tháng 10, lạm phát Mỹ đứng ở mức 7,7% (so với cùng kỳ) và con số hồi tháng 6/2022 là 9,1%.
Đây sẽ là sự kiện quan trọng và có tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu và cả Việt Nam.
Đây cũng là một tuần đầy ắp sự kiện với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi Mỹ công bố CPI (13/12) và Fed công bố lãi suất (14/12), giới đầu tư trong nước sẽ ghi nhận phiên đáo hạn phái sinh (15/12) và quỹ ETF cơ cấu (16/12).
Chỉ một ngày sau quyết định của Fed, NHTƯ châu Âu (ECB) và NHTƯ Anh (BoE) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm. Các ngân hàng của Thuỵ Sĩ, Na Uy, Mexico, Colombia, Philippines... cũng có thể sẽ tăng lãi suất.
Như vậy, năm 2022 sắp kết thúc với những biến động lớn. Hầu hết các quốc gia đã thắt chặt mạnh chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ, sau khi dự báo sai lầm rằng lạm phát cao trong năm 2021 sẽ sớm hạ nhiệt.
Lạm phát Mỹ được dự báo ở mức 7,3% trong tháng 11 (so cùng kỳ) (Biểu đồ: Mạnh Hà)
Lạm phát ở nhiều nước trên thế giới hiện có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng những bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2023, trong đó có rủi ro suy thoái kinh tế ở một số nước lớn.
Châu Âu (EU) vẫn chứng kiến CPI ở mức 10% do vậy khả năng ECB có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 thậm chí 75 điểm cơ bản.
Việc Trung Quốc đang mạnh tay nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid đang khiến giới đầu tư kỳ vọng tích cực cho nền kinh tế thế giới. Giá dầu tăng khá nhanh trở lại. Dầu WTI đã lên 72 USD/thùng sau khi giảm 11% vào tuần trước.
Sự trở lại của Trung Quốc có thể bù đắp những quan ngại từ nền kinh tế Mỹ khi Fed tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm ngăn chặn lạm phát kỷ lục, qua đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế.
Giới đầu tư đang chờ đợi cú “hạ màn” về chính sách tiền tệ cuối cùng của ngân hàng trung ương nhiều nước trong năm biến động 2022.
Tags:Thị trường tài chính
chứng khoán Mỹ
Thị trường tài chính 2022
Tin cùng chuyên mục