Sách nói lên tiếng
Theo nghiên cứu của Omdia, thị trường sách nói toàn cầu năm 2020 là 4 tỉ USD, ước đạt 9,3 tỉ USD vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 13,9%, hơn 337 triệu người dùng hằng tháng. Nổi bật trên thị trường có thể kể đến một số công ty lớn như Audible (thuộc Amazon), RBmedia (công ty Mỹ, mua lại nhiều công ty sách nói độc lập khác), Playster, Apple Books, Storytel (Thụy Điển), Himalaya (Trung Quốc)...
“Thị trường Việt Nam đang có những điều kiện được đánh giá là vừa đủ cho sự phát triển của sách nói. Kết nối internet được phổ cập khắp nơi, số lượng người sử hữu điện thoại thông minh ngày càng cao, thời gian dành cho các loại hình nội dung ngày càng tăng. Đặc biệt, người trẻ Việt Nam vốn ham học nhưng quá bận rộn, thiếu thời gian thưởng thức một cuốn sách”, ông Lê Hoàng Thạch, Tổng Giám đốc Công ty Voiz FM, lý giải.
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số trên 90 triệu, trong đó 56% dưới 35 tuổi. Việt Nam còn là nước có dân số sử dụng smartphone đứng thứ 2 Đông Nam Á năm 2020 với 61,3 triệu smartphone. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các nội dung số cũng như sách nói. Theo nghiên cứu của Voiz FM, thị trường sách nói Việt Nam hiện ở mức 300 triệu USD và toàn Đông Nam Á là 3 tỉ USD.
“Sách nói đang cộng hưởng với sách giấy, cho người dùng thêm nhiều lựa chọn và góp phần giúp ngành xuất bản phát triển toàn diện hơn”, bà Thái Minh Châu, Giám đốc Đối ngoại Fonos, chia sẻ.
Hai lý do khác khiến ông Thạch tin sách nói, mở rộng ra là các sản phẩm âm thanh còn rất nhiều thị phần phát triển tại Việt Nam nằm ở sự thay đổi của cơ sở hạ tầng vĩ mô. “Tại các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu, sách nói được nuôi dưỡng nhờ phương tiện công cộng như tàu điện và xe buýt. Thứ 2 là môi trường xe hơi trên đường cao tốc. Việt Nam đã có tàu điện, các dự án cao tốc liên tỉnh, liên khu cũng đang hình thành. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị”, ông Thạch nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có 3 kênh sách nói được cấp phép chính thức gồm Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và MyDio (thành lập đầu năm 2021). Tuy mới ra mắt khoảng 2 năm trở lại đây nhưng các đơn vị này đều có sự tăng trưởng đáng kể.
Sau hơn 2 năm ra mắt, Voiz FM hiện có hơn 500.000 triệu người dùng với trên 20 triệu phút nội dung được trả phí, sở hữu nội dung với hơn 2.000 đầu sách best seller trải dài ở các lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật đến giáo dục, y tế, kinh tế. Fonos thì ghi nhận doanh thu mỗi tháng tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021, với gần 300.000 lượt tải tính đến thời điểm hiện tại. Kho nội dung của Fonos còn có hơn 500 eBook, 300 tóm tắt sách, 100 bài thiền... để người bận rộn có thêm lựa chọn. Trung bình, Fonos sản xuất từ 20-30 đầu sách nói/tháng, tập trung vào sách best seller và có nội dung độc đáo.
Theo ông Thạch, thách thức lớn nhất của quy trình sản xuất sách nói là nội dung cần đảm bảo mạch lạc và ổn định. Tuy nhiên, với số lượng sách được cập nhật mỗi ngày, để đảm bảo thu âm giọng thật là điều bất khả thi. Do đó, bên cạnh việc sản xuất nội dung từ các voice talent (giọng đọc tài năng), Voiz FM còn đầu tư phát triển công nghệ A.I Voices, có thể sản xuất 1.000 đầu sách mỗi tuần đồng thời đảm bảo tính tự nhiên.
Voiz FM còn đầu tư phát triển công nghệ A.I Voices, có thể sản xuất 1.000 đầu sách mỗi tuần đồng thời đảm bảo tính tự nhiên. Ảnh: Quý Hòa. |
Tháng 11/2020, trong một cuộc thử nghiệm trên 800 người tại Voiz FM, hơn 70% đã không nhận ra giọng đọc A.I và cho biết vẫn sẵn sàng trả tiền để mua sách. Hiện Voiz FM áp dụng công nghệ A.I Voices tại một số tựa sách và các đầu sách này sở hữu rating không thua gì giọng thật. “Chúng tôi chỉ mới bước vào giai đoạn lập trình sản xuất, không biết là bao lâu mới thành công nhưng cứ phải bắt đầu thôi!”, đại diện Voiz FM cho biết.
Theo ông Thạch, một trong những tín hiệu đáng mừng của thị trường sách nói nói riêng và audio nói chung là hiện đã có nhiều nhà đầu tư, nhiều startup quan tâm và nhảy vào cuộc chơi. Sự cạnh tranh sẽ tạo nên diện mạo đa dạng và sôi động cho thị trường.
Riêng Voiz FM, ngay từ ngày đầu phát triển, không dừng lại ở sách nói. Vào tháng 10/2020, Voiz FM và nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã bắt tay thực hiện chuỗi dự án Nghe Phim mang tên “Trời tính không bằng trời tính” dài 15 tập, mở đầu hình thức phim âm thanh. Ông Thạch cho biết, cơ cấu nội dung và doanh thu sách nói hiện tại chiếm khoảng 90%. Tuy nhiên, con số này 3 năm nữa sẽ chỉ còn 70% và 5 năm sau là 50%. Sẽ có thêm các loại hình audio khác xuất hiện như podcast, phim âm thanh hay âm thanh trị liệu, giảm stress... “Chắc chắn Voiz FM sẽ dẫn đầu trong những mảng nội dung đó”, ông Thạch nhấn mạnh.
Với Fonos, khi tải ứng dụng, người dùng có thể trải nghiệm chương đầu tiên của tất cả các tác phẩm. Nếu đăng ký gói hội viên 899.000 đồng/năm, người dùng được nhận một thẻ sách mỗi tháng để mua và sở hữu bất kỳ quyển sách nào, cũng như sử dụng tất cả tính năng của Fonos gồm nhiều giá trị cộng thêm như eBook, tóm tắt sách, các bài nhạc thư giãn... Bà Châu chia sẻ, phát triển những giá trị cộng thêm này thành mảng doanh thu riêng là chiến lược của Fonos, nhưng cần sự quan sát thị trường về lâu dài.
Tin cùng chuyên mục