Ngân hàng đã tích cực giảm lãi, sao lãi suất vẫn chưa về kỳ vọng 8%?
Nhiều ngân hàng khẳng định đã giảm lợi nhuận hàng nghìn tỷ để đưa lãi suất xuống thấp hơn, song doanh nghiệp vẫn phản ánh lãi suất cho vay cao, thực tế có giảm nhưng mức giảm nhỏ giọt, chưa như kỳ vọng.
LTS: Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ vẫn phải vay vốn với mức lãi suất cao, hoặc rất khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.Lãi suất cao, DN phản ánh "coi như làm không công", không có lợi nhuận hoặc buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh.Báo VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp. Để từ đây, ngành ngân hàng sớm có những giải pháp cụ thể, thực tế hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ. |
Lãi vay DN vẫn cao
Ảnh minh hoạ (H.H).
Tuy vậy, lãnh đạo các ngân hàng đã đưa ra các con số về việc hạ lãi suất cả 2 chiều huy động- cho vay DN.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank nếu so sánh với đỉnh điểm của thanh khoản vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm.
Ông Vinh cho hay, VPBank đã “hy sinh” hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay 2-3%.
Theo ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB – Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiêm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Kết quả là đã tiết kiệm được hơn 500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm so với kế hoạch ban đầu; chỉ số chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống gần 30%.
Kể từ đầu năm, ACB đã 10 lần giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho người vay.
Cụ thể, ACB cho vay ưu đãi 30 ngàn tỷ, giảm tối đa 3% so với biểu lãi suất. Đến nay đã giải ngân 2/3 ngân sách chương trình, khoảng 20.000 tỷ đồng áp dụng khoảng 60.000 khách hàng.
Giảm từ 0,5%- 2% lãi suất cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất. ACB dự kiến mức giảm 9 tháng đầu năm 2023 là 900 tỷ đồng và cả năm 2023 là 1.000 tỷ.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2%, sau hơn 1 năm triển khai, tính đến thời điểm 30/06/2023, ACB đã đạt doanh số giải ngân là 1.529 tỷ đồng, tổng dư nợ các khoản hỗ trợ lãi suất là 647 tỷ đồng.
Đối với cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, ông Từ Tiến Phát cho biết, sau 2 tháng triển khai kể từ ngày hiệu lực của Thông tư 02, tính đến thời điểm 30/06/2023, có 117 khách hàng có tổng dư nợ 1.201 tỷ đồng được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, tương ứng với 894 tài khoản vay.
Trong 6 tháng đầu năm, VCB đã thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Lũy kế đến 30/06, VCB đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 87% tổng dư nợ của VCB.
Lãnh đạo Agribank cho biết từ đầu năm đến nay đã triển khai 14 lần giảm lãi suất huy động, 7 lần giảm lãi suất cho vay. Đồng thời triển khai nhiều chính sách như: Chính sách cơ cấu lại theo Thông tư 02, hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, cùng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi khác.
Các ngân hàng TMCP cũng tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ lãi suất, như LPBank với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm.
Tại PG Bank, lãi suất cho vay hiện nay cũng chỉ còn 9,5%/năm trong vòng 12 tháng đầu. Đây được coi là mức lãi hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đề xuất giảm thuế VAT cho các ngân hàng thương mại (NHTM) như các doanh nghiệp khác để có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời cho phép các NHTM Nhà nước được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, và từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023.
Theo ông Hùng, năng lực tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã được củng cố; chất lượng quản trị, điều hành được nâng cao. Đã có 25 ngân hàng đủ điều kiện tăng vốn điều lệ trong thời gian tới với tổng vốn mới lên đến hơn 743.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu thực trạng việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc. Một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng.
Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.
Các rủi ro tội phạm công nghệ trong giao dịch và quản lý thông tin, dữ liệu khiến ngân hàng trở thành đối tượng chú ý của tội phạm công nghệ với quy mô và mức độ ngày càng tinh vi hơn,…
Để tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng, bên cạnh đề xuất giảm thuế VAT nêu trên, đại diện Hiệp hội ngân hàng đề nghị các bộ, ngành liên quan có giải pháp xử lý triệt để tội phạm mạng hiện nay, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Đề nghị Bộ Công An, VKS, tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hinh sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ.
Lãi suất giảm chưa được như kỳ vọng
Mặc dù ngành ngân hàng liên tục khẳng định đã giảm lãi suất, nhưng nhiều doanh nghiệp than vẫn phải vay vốn với lãi suất rất cao.
Nhiều DN chia sẻ với VietNamNet hiện tại họ vẫn đang trả lãi ngân hàng ở mức 12-13%/năm thậm chí cao hơn.
Bà Trịnh Quỳnh Mai, Phó Giám đốc DN hoạt động trong lĩnh vực tái chế tại Nam Định cho biết: “So với trước đây, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm khoảng 0,5 – 1%. Chúng tôi cũng không gặp vấn đề gì trong việc tiếp cận tín dụng tuy nhiên, khi hỏi các ngân hàng về giảm lãi suất, thì thấy thực tế có giảm nhưng mức giảm nhỏ giọt. Chẳng hạn như lãi suất cho vay tại Techcombank mới chỉ giảm từ 10,4% xuống 10%/năm”.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, vay vốn tại một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ có lãi suất “mềm” hơn, từ 7,5 đến 9%/năm. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tiếp cận được. Lãi suất cho vay DN tại các ngân hàng TMCP vẫn hầu hết trên 10%/năm.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới để hỗ trợ nền kinh tế.
Sau khi NHNN nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5%/năm.
Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1-2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, về nguyên tắc lãi suất cho vay ra bao giờ cũng phải cao hơn so với lãi suất huy động khoảng 3% mới đảm bảo cho ngân hàng có lợi nhuận. Trong khi đó, giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 các ngân hàng đều phải huy động tiền gửi lãi suất trên 9%/năm, thậm chí có thời điểm lên đến 11-12%/năm. Do đó không thể một sớm một chiều là có thể giảm lãi suất cho vay, bởi chính sách nào cũng cần có độ trễ.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại cần phải thấy được việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp là điều cần thiết.
“Việc ngân hàng thương mại trước đây huy động lãi suất cao thì bây giờ vẫn phải trả lãi cao cho khách hàng. Nhưng trong lúc khó khăn, ngân hàng nên chia sẻ bằng cách lấy khoản này bù đắp cho khoản kia để có mức lãi suất hợp lý”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định NHNN tôn trọng nguyên tắc của cơ chế thị trường và quyền của các TCTD, nhưng phải có định hướng để từng bước giảm dần lãi suất, và phải giảm một cách tích cực kể cả lãi suất huy động lẫn cho vay.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 4/7 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp. Tuy nhiên đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành ngân hàng mà cần sự chung tay gánh vác của nhiều bên.
Do đó, Thống đốc kiến nghị các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cần được quan tâm, chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai tác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các DNNVV; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Tuân Nguyễn
Tags:Lãi suất ngân hàng
Tin cùng chuyên mục