10/10/2022 14:22

Nga vẫn kiếm đậm nhờ xuất khẩu dầu thô

Theo phân tích dữ liệu từ Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch của Phần Lan, giá trị xuất khẩu năng lượng Nga sang Trung Quốc trong giai đoạn tháng 7-8 đã tăng 17%, tương đương 30 triệu euro, so với tháng 2-3. Trong đó, xuất khẩu than tăng 53%, còn xuất khẩu dầu tăng 16%.

Nga vẫn kiếm đậm nhờ xuất khẩu dầu thô

Tổng xuất khẩu dầu, than đá và khí đốt tự nhiên hàng ngày của Nga trong tháng 7 và tháng 8 đã giảm 18%, nhưng xuất khẩu dầu thô vẫn tăng 19% (Ảnh: FILE).

Xuất khẩu năng lượng Nga tới Ấn Độ cũng tăng 5,7 lần trong cùng thời kỳ, tương đương 40 triệu euro. Đây được cho là mức tăng lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê thương mại của Ấn Độ, trong tháng 6, Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 2 cho Ấn Độ, tăng mạnh so với vị trí thứ 10 năm 2021.

Tổng xuất khẩu dầu, than đá và khí đốt tự nhiên hàng ngày của Nga trong tháng 7 và tháng 8 đã giảm 18% so với tháng 2 và tháng 3. Khí đốt tự nhiên xuất khẩu qua đường ống tiếp tục giảm mạnh nhất với 56%, tiếp đó là xuất khẩu xăng giảm 34% và xuất khẩu than đá giảm 29%. Nhưng ngược lại, xuất khẩu dầu thô lại tăng 19%.

Năng lượng là ngành công nghiệp chủ chốt của Nga. Trong đó, dầu và khí đốt chiếm khoảng 40% doanh thu của chính phủ Nga. Vì vậy, để chặn nguồn thu của Moscow, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã áp một loạt biện pháp trừng phạt dầu và than đá Nga.

Do đó, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang châu Âu đã giảm 35%, Mỹ và Anh giảm khoảng 90% trong khi Nhật Bản giảm khoảng 70% lượng nhập khẩu nhiên liệu từ Nga. Tổng cộng, mỗi ngày, Nga hụt thu từ các nước này lên đến 250 triệu EUR.

Tuy nhiên, mức giảm tổng thể trong xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn không lớn, vào khoảng 170 triệu EUR do Moscow đã thành công trong nỗ lực bán năng lượng với mức giá rẻ sang các nước không áp lệnh trừng phạt Nga như Trung Quốc và Ấn Độ.

Xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Đông như UAE, Ai Cập cũng tăng lên. Đây là những nơi được cho đang chế biến dầu thô Nga sang các sản phẩm hóa dầu để xuất đi các nước còn lại trên thế giới. Ví dụ, cảng Fujairah ở UAE được coi là trung tâm chính xuất khẩu các sản phẩm dầu có trộn lẫn với các sản phẩm của Nga.

Giá trị xuất khẩu năng lượng Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng khoảng 20%.

Hồi tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng tiết lộ rằng Nga đã giảm mạnh giá dầu cho các nền kinh tế mới nổi, có khi tới 30% ở một số quốc gia theo thông tin bà này biết.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng cho biết không loại trừ khả năng sẽ nhập khẩu dầu Nga. "Chúng tôi luôn cân nhắc mọi lựa chọn", ông nói.

Giá năng lượng tăng cao đã làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo CREA, Nga đã kiếm được tổng cộng 158 tỷ euro từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 6 tháng sau khi thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong khi đó, tổ chức này ước tính, chi phí cho cuộc chiến của Nga cùng thời gian trên lên tới khoảng 100 tỷ euro.

Để khiến Nga thiệt hại lớn hơn, nhóm các nước G7 đã đồng ý áp trần đối với giá dầu nhập khẩu từ Nga, bắt đầu từ tháng 12 tới. Thỏa thuận trên cũng đã cấm các công ty bảo hiểm và vận chuyển vượt mức giá trần.

Theo Bộ Tài chính Nga, trong nửa đầu năm nay, nước này thặng dư tài khóa 1.370 tỷ rúp (tương đương 21,9 tỷ USD). Tuy nhiên, tính đến tháng 8, con số này đã thu hẹp lại chỉ còn 137 tỷ rúp.

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Tin cùng chuyên mục