07/07/2022 05:45

Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát 80%

Theo dữ liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này tăng tới 78,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá thức ăn, đồ uống và vận tải. Giá thực phẩm tăng gần gấp đôi trong một năm. Chi phí vận tải tăng 123%.

Quốc gia này chìm trong lạm phát cao từ nhiều tháng qua. Đồng lira đã mất giá hơn 20% so với USD trong năm nay.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động từ lạm phát toàn cầu như các nước khác. Tuy nhiên, chính sách kinh tế của Tổng thống Tayyip Erdogan đã khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Đồng lira mất giá càng làm hàng nhập khẩu đắt đỏ.

Tháng 9/2021, ông Erdogan yêu cầu Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất, thay vì nâng, khi giá cả đang tăng tốc. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi để hạ nhiệt lạm phát, Thổ Nhĩ Kỳ lại làm điều ngược lại. Lãi suất tại đây vẫn là 14% từ tháng 12/2021.

Dù vậy, Erdogan vẫn bảo vệ chính sách tiền tệ của mình, khẳng định giảm lãi sẽ kéo lạm phát xuống và tăng xuất khẩu. Ông cho rằng các vấn đề kinh tế của họ là do tác động từ bên ngoài.

Trong một thông báo hôm 4/7, Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nureddin Nebati cho biết "giá hàng hóa toàn cầu tăng, đặc biệt là nhiên liệu và nông sản" đã kéo lạm phát lên cao trong tháng 6. Ông nói rằng chính phủ sẽ có biện pháp bảo vệ người dân, như giảm thuế và tăng trợ cấp.

Tuần trước, ông Erdogan thông báo lương tối thiểu sẽ được nâng thêm 30% kể từ tháng này. 6 tháng trước, họ đã nâng 50%.

Tuy nhiên, động thái này có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng xoáy tăng lương - tăng giá nguy hiểm, khiến vấn đề càng trầm trọng. S&P Global Ratings tuần trước dự báo lạm phát tại nước này sẽ duy trì trên 70% trong năm nay, và trên 20% cho đến ít nhất là giữa năm tới.

Hà Thu (theo CNN)

Tags:

Thổ Nhĩ Kỳ

lạm phát

lãi suất

giá lương thực

Tayyip Erdogan

lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ

Sức khoẻ nền kinh tế

Tin

Tin cùng chuyên mục