Đôi bạn 9X về quê lập nghiệp, bán 1 triệu bánh đa vừng sang Nhật Bản
Về quê hương khởi nghiệp với bánh đa vừng, đôi bạn trẻ xứ Nghệ đã đầu tư nhà xưởng, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, từ đó mở rộng thị trường khắp cả nước và đưa sản phẩm xuất ngoại.
XEM CLIP:
Những ngày cuối tháng 2, tại cơ sở sản xuất bánh đa vừng ở xã Nhân Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), không khí làm việc tại xưởng rất nhộn nhịp. Hàng chục công nhân làm không ngơi tay để kịp đơn hàng của khách đặt.
Cẩn thận kiểm tra từng kiện hàng trước khi xuất xưởng, anh Nguyễn Bá Thắng (SN 1990) Giám đốc sản xuất cơ sở bánh đa Lương Sơn, cho biết, chất lượng bánh làm ra phải đồng đều, giữ hương vị truyền thống, đáp ứng thị yếu của khách hàng.
Tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng, Thắng mải mê theo những công trình lớn nhỏ từ Bắc vào Nam. Bốn năm sống xa vợ con, trong cảnh “nay đây, mai đó”, anh cùng người bạn đồng môn, đồng hương Nguyễn Ngọc Phương (SN 1989, trú xã Quang Sơn, Đô Lương) muốn về quê sinh sống cùng gia đình.
Bánh đa vừng, đặc sản nổi tiếng trăm năm tuổi của người dân huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Trần Tuyên
Các mẻ bánh chuẩn bị được đưa vào lò sấy. Ảnh: Trần Tuyên
Về quê làm gì để sống? Sau nhiều lần trao đổi, tìm tòi, đôi bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp bằng chính sản vật làng quê - bánh đa vừng.
“Đến đâu tôi cũng thấy đặc sản ở mỗi địa phương đều được đầu tư, tạo thương hiệu mang lại nguồn thu nhập lớn. Bánh đa vừng cũng là một đặc sản nổi tiếng xa gần, được thị trường đón nhận.Tuy nhiên, bà con ở quê vốn chỉ sản xuất thủ công, chưa chú trọng gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và phát triển”, anh Thắng tâm sự.
Thay vì đắp lò đất, mua củi đốt lò tráng bánh. Năm 2018, đôi bạn mượn đất, mở cơ sở nhỏ khép kín, thuê thợ cơ khí thiết kế dây chuyền máy móc sản xuất bánh đa. Các công đoạn xay bột, đảo bột, tráng bánh đều được tự động hóa.
Anh Thắng chia sẻ, công đoạn sấy là yếu tố then chốt để chiếc bánh đa thơm giòn. Anh cùng thợ cơ khí phải mất hơn nửa năm để tìm tòi, hoàn thiện máy móc.
Trong khi đó, anh Phương phụ trách mảng thị trường, rong ruổi khắp nơi khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khách, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đại lý, kết nối để đưa bánh đa vừng vào giới thiệu tại các gian hàng, siêu thị.
Cơ sở sản xuất bánh đa của đôi bạn trẻ 9X tạo công việc ổn định cho gần 30 công nhân trên địa bàn, với mức lương 5 triệu đồng/tháng/người. Ảnh: Trần Tuyên.
Đáp lại sự cố gắng không ngừng nghỉ ấy, các đơn hàng từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đến Hà Nội, Hải Phòng về tới tấp, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Năm 2021, thương hiệu bánh đa Lương Sơn được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đây cũng là năm xưởng có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang các nước.
“Thông qua một công ty đối tác trong hội nhóm các mặt hàng xuất khẩu, những chiếc bánh đa xứ Nghệ đầu tiên đã được xuất sang thị trường Nhật Bản. Thị trường này rất khắt khe, từ chất lượng, mẫu mã sản phẩm đến trọng lượng từng chiếc bánh phải đồng đều”, anh Thắng cho hay.
Từ giữa năm 2022, đôi bạn trẻ quyết định mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà xưởng rộng gần 1.000m2 cùng dây chuyền bán tự động, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng, được đưa vào hoạt động. Nhờ đó, mỗi ngày xưởng có thể sản xuất khoảng 50.000 chiếc bánh đa vừng.
Trong năm 2022, cơ sở đã xuất sang thị trường Nhật Bản 1 triệu chiếc bánh đa vừng, trị giá 2,2 tỷ đồng, được phân phối ở các tạp hoá, siêu thị ở Nhật.
Nói về dự định sắp tới, đôi bạn trẻ tiết lộ sẽ tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm, nâng tầm thương hiệu bánh đa Lương Sơn, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Bình luận
Tags:bánh đa vừng
lập nghiệp
xuất khẩu bánh đa vừng
Nhật Bản
bánh đa khô
Tin cùng chuyên mục