22/11/2023 15:35

Cuối năm, tăng cường ngăn chặn tín dụng đen

Hoạt động tín dụng đen được dự báo gia tăng dịp cuối năm. Vì vậy, Bộ Công an đã đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen và khuyến cáo người dân cần tiếp cận với nguồn tài chính chính thức, tránh xa tín dụng đen.

Cuối năm, tăng cường ngăn chặn tín dụng đen

Công an TPHCM cùng người dân xóa quảng cáo tín dụng đen trên địa bàn. Ảnh: Hồng Phúc.

Đòi nợ kiểu xã hội đen

Cuối tháng 10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tạm giữ hình sự nhóm đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản do Nguyễn Phi Hùng (SN 1990) trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cầm đầu.

Theo cơ quan Công an, sau khi tiếp nhận tin báo của anh N.M.H. (quận Nam Từ Liêm) về việc khoảng 0h30 ngày 4/10, gia đình anh bị một nhóm đối tượng ném chất bẩn vào nhà ở. Theo trình bày của anh H., bản thân đã vay nợ của rất nhiều người và không có khả năng chi trả. Do đó, anh và gia đình thường xuyên bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần hàng ngày, nhằm tạo áp lực cho gia đình phải thanh toán các khoản vay nợ của đối tượng.

Quá trình điều tra, lực lượng Công an xác định, nhóm đối tượng ném chất bẩn vào nhà anh H. do Nguyễn Phi Hùng cầm đầu. Từ đầu năm 2023 đối tượng Hùng mở dịch vụ cho vay dưới hình thức bốc bát họ trong các hội nhóm trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo. Đầu tháng 7/2023, anh H. tìm đến Hùng vay số tiền 15 triệu đồng. Thấy anh H. không trả tiền đầy đủ, nhóm của Hùng đã nhiều lần đến nhà chửi bới, đe dọa.

Ngày 3/10, Nguyễn Phi Hùng đã chỉ đạo các đối tượng khác đi mua sơn đỏ, mắm tôm về trộn với nhau và mang đến nhà anh H. ném chất bẩn để gây sức ép, nhằm mục đích đòi nợ.

Tại TPHCM, lực lượng Công an cũng đã bắt khẩn cấp Phan Minh Hoàng (SN 1987, trú quận 8); Lê Việt Anh (SN 1987), Vũ Minh Hiếu (SN 1998), cùng trú huyện Bình Chánh; Trần Võ Khương An (SN 1987, trú quận 7) về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Nhóm của Hoàng bị bắt cũng do hành vi tương tự nhóm của Nguyễn Phi Hùng.

Ông Bùi Đức Tài - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã mở đợt tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen. Qua đấu tranh triệt phá, cơ quan Công an đã phát hiện một số đối tượng là người nước ngoài hoạt động phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Các ngân hàng là đối tượng mà chúng hướng tới, lợi dụng và thực hiện hành vi lừa đảo.

Hành vi đòi nợ của các đối tượng thể hiện ở 3 cấp độ khác nhau. Đầu tiên là gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng để yêu cầu phải trả tiền. Ngoài ra còn dọa giết người vay, đưa các hình ảnh của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ. Chưa kể các hành vi khác như ném chất thải vào nhà, có trường hợp mang cả can xăng đến nhà người vay để uy hiếp đòi nợ.

Nâng cao công tác tuyên truyền

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian qua các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay với quy mô lớn. Điển hình của các đối tượng này là cho vay qua app với số tiền rất nhỏ (1,6-3 triệu đồng) nhưng các khoản phí phải trả rất cao, người vay phải cung cấp thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại. Khi vay vốn, người vay sẽ bị lôi kéo từ app này đến app khác và không thể trả hết nợ. Khi đòi nợ, các đối tượng hoạt động tín dụng đen sẽ gọi điện thoại cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ… để ép người vay trả nợ.

Giới chuyên gia đưa ra lời khuyên, người dân hãy tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn. Người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm. Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn đến địa bàn cư trú hoặc có biểu hiện hoạt động phạm tội “tín dụng đen” thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, chính quyền địa phương để có biện pháp đấu tranh phòng ngừa...

Để mở rộng kênh tín dụng chính thức, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, hạn chế tín dụng đen, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, hành vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, trong đó đặt ra nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường các kênh tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen. Mục tiêu là tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển các kênh tín dụng chính thức và các giải pháp tăng cường tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhu cầu phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cảnh báo, hoạt động tín dụng đen nhiều khả nằng sẽ gia tăng ở nhiều địa bàn vào dịp cuối năm, kết hợp nhiều hình thức, len lỏi vào các thành phần người dân, thanh thiếu niên. Bộ Công an sẽ đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, tuyên truyền phòng ngừa các hệ lụy trên các nền tảng mạng xã hội. Do vậy, người dân cần tiếp cận với nguồn tài chính chính thức, tránh xa tín dụng đen.

Tags:

tín dụng đen

Tin cùng chuyên mục