27/07/2022 07:03

Chuyên gia: Cơ chế ưu đãi tốt hơn để Việt Nam không 'mua đắt bán rẻ' khi xuất nhập dầu thô

 

Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh. Giai đoạn 2009-2014, khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ 2015-2019, mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng và hai năm gần đây không có hợp đồng nào được ký.

Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, chủ yếu là khí. Các mỏ đang khai thác ở trong giai đoạn cuối, sản lượng giảm dần. Một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính với nhà nước... Bởi vậy, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Điểm mới của dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi là đề cập các mức ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Cụ thể, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 25% (thấp hơn 7% so với hiện tại); thuế suất xuất khẩu dầu thô 5% và tỷ lệ thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm (cao hơn 10% ưu đãi hiện tại).

Hiện nhiều nước trong khu vực cũng đưa ra các mức thuế suất ưu đãi thu nhập doanh nghiệp hấp dẫn với nhà đầu tư lĩnh vực dầu khí, như Thái Lan là 20%, Malaysia và Trung Quốc là 25%, còn Myanmar 30%...

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi ngày 26/7, các chuyên gia cho rằng vẫn cần thêm những ưu đãi đặc thù hơn để tăng thu hút đầu tư (tư nhân, nước ngoài) trong lĩnh vực dầu khí và tăng tiêu thụ nội địa.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu & cạnh tranh (BCSI), đề xuất ngoài việc cần có thêm các ưu đãi tốt hơn để mỏ dầu không bị bỏ phí, cũng nên có cơ chế thưởng nếu họ "đem lại chiếc bánh to hơn".

Chuyên gia: Cơ chế ưu đãi tốt hơn để Việt Nam không 'mua đắt bán rẻ' khi xuất nhập dầu thô

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu & cạnh tranh (BCSI). Ảnh: Vương Trần

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu dầu thô lên gấp đôi, tức 10%... so với mức đưa ra tại dự thảo luật. Việc này, theo ông sẽ khuyến khích doanh nghiệp dầu khí tăng tiêu thụ trong nước, giảm xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó cũng tránh xảy ra chuyện Việt Nam vừa là nước xuất khẩu, nhập khẩu dầu thô nhưng lại phải "mua đắt bán rẻ", không đảm bảo an ninh năng lượng.

"Khai thác xong xuất đi hết, rồi lại nhập dầu thô về với giá cao hơn cho sản xuất, trong khi trữ lượng dầu thô tại nhiều mỏ ngày càng khan hiếm... sẽ khó đảm bảo an ninh năng lượng", ông Phong nói.

Ngoài ra, ông cho rằng dự thảo luật cần làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong xuất - nhập khẩu dầu thô, thậm chí cần bổ sung các quy định tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp họ không tuân thủ hợp đồng, cam kết cũng như sai phạm trong quá trình đầu tư.

"Đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư cũng nên có nguyên tắc thu hồi nếu họ sai phạm, để tránh lạm dụng", ông bình luận.

Quy định về thu hồi ưu đãi cũng được ông Thành cho rằng "nên có vì đây là nguyên tắc thị trường". Song, cách thể hiện trong luật thế nào để đảm bảo tính cảnh báo, môi trường đầu tư kinh doanh... cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ở khía cạnh môi trường, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, lo lắng khi dự thảo chưa có quy định về xử lý, giám sát sự cố môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông dẫn các ví dụ về sự cố môi trường do dầu, hoá chất, chất thải... và cho rằng có tác động rất lớn. Vì vậy, theo ông hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường. Dự thảo luật cũng cần có một điều riêng, quy định về vấn đề này.

"Việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường không phải chỉ mang tính hình thức mà phải có thẩm định, kiểm tra, đánh giá và giám sát các vấn đề liên quan tới môi trường. Không phải sau khi làm xong thủ tục được phê duyệt "coi như xong" và "cất vào tủ", ông nói.

Đề cập tới xu hướng mới, nhất là công nghệ trong lĩnh vực dầu khí, ông Đoàn Văn Thuần, Viện Dầu khí Việt Nam nói "dự thảo luật đưa ra khá mờ" và chưa cập nhật những xu hướng công nghệ mới. Ông dẫn chứng công nghệ lưu giữ phát thải khí CO2 đang được nhiều nước phát triển như Mỹ, Indonesia... Chẳng hạn, Indonesia có chính sách, nhà thầu khi ký hợp đồng dầu khí có quyền chôn lấp khí CO2 với mỏ dầu mà họ khai thác.

Theo các tính toán kỹ thuật, Việt Nam có tiềm năng lưu trữ CO2 ở mức 1,1-1,2 giga tấn, tập trung ở khu vực mỏ khí đã cạn tại khu vực Đông Nam Bộ, Bắc sông Hồng... nhưng hiện mới dừng ở góc độ nghiên cứu công nghệ này.

"Để tận dụng các mỏ dầu đang trong giai đoạn suy giảm sâu, cạn kiệt, dự luật nên bổ sung quy định chung cho phép nhà thầu dầu khí có quyền lưu giữ CO2, còn nghị định hướng dẫn sẽ quy định chi tiết chính sách cho phát triển công nghệ này", ông Thuần gợi ý.

Công nghệ lưu giữ, chôn lấp CO2 ở Việt Nam mới "chập chững ở bước đầu nghiên cứu", ông Lê Quang Diến, Phó trưởng khoa Dầu khí (Trường Đại học Mỏ - địa chất) cũng cho rằng, vẫn nên có quy định để bước đầu hình thành, phát triển loại công nghệ này ở Việt Nam dù "đây là vấn đề của tương lai 5-10 năm nữa, chưa cấp bách".

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 6 và sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV dự kiến vào tháng 10.

Anh Minh

Tags:

mỏ dầu

khai thác dầu khí

ưu đãi thuế

Luật Dầu khí sửa đổi

Chính sách kinh tế

Phân tích

Tin cùng chuyên mục