Bộ trưởng Công Thương: Hỗ trợ an sinh nếu giá xăng dầu tăng quá cao
Chiều 7/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhóm vấn đề liên quan tới các vấn đề thuộc ngành nông nghiệp. Trong đó, có nhóm nội dung về sản xuất, tiêu thụ nông sản, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp…
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hai ngành nông nghiệp - công thương vừa qua đã có chương trình phối hợp toàn khóa, giao ban từng quý, có cơ chế xử lý sự cố từng việc. Do vậy, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Quốc Chính).
Tuy nhiên, theo ông Diên, để chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất theo tín hiệu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp là một vấn đề rất lớn. Bởi theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn ngay cả với thị trường trong nước.
Đối với nhóm vấn đề đại biểu quan tâm, đó là nông sản Việt Nam có bán được ra thế giới không, Bộ trưởng trả lời: "Chúng tôi khẳng định sản phẩm nông sản của chúng ta hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Việt Nam là thành viên 17 FTA với hơn 65 quốc gia vùng lãnh thổ, gần 7 tỷ người tiêu dùng, thị trường rất rộng mở".
Về mặt tích cực, ông Diên cho biết sản phẩm nông sản của Việt Nam đã vào được những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Những sản phảm đã đi được, theo Bộ trưởng, là những sản phảm đạt được tiêu chuẩn thị trường. Theo đó, người sản xuất vùng trồng vùng nuôi ở đây quán triệt được việc "bán cái thị trường cần", theo tín hiệu thị trường.
Thời gian vừa qua, theo ông Diên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu của thị trường.
Thời gian tới, để hàng hóa nông sản Việt Nam vào được thế giới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cùng các ngành chức năng làm thật tốt thông tin thị trường, định hướng sản xuất vùng trồng vùng nuôi. Cùng với đó là việc đẩy mạnh đàm phánđể đưa sản phẩm vào các nước, khai thác lợi thế các FTA đã ký. Cùng với các bộ ngành thuận lợi hóa thủ tục hành chính, giảm các chi phí cho hàng hóa.
Liên quan tới việc triển khai đề án xuất khẩu theo hướng chính ngạch, Bộ trưởng Công Thương cho biết đã hoàn tất đề án, đang lấy ý kiến một số bộ ngành, các địa phương. Đã có 18/63 địa phương có ý kiến, Bộ trưởng đề nghị các địa phương còn lại sớm hoàn thiện để tiến tới phê duyệt.
"Chúng tôi cũng khuyến cáo cần có sự liên kết trong quá trình sản xuất. Nếu manh mún nhỏ lẻ thì khó", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh trong quá trình này, địa phương có vai trò rất quan trọng.
Về việc vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao, Bộ trưởng cho biết, đây là thực trạng phổ biến toàn cầu do đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ đã dùng nhiều chính sách, giảm thuế, giảm tiền điện, lãi suất, hỗ trợ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm tra thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước cần.
Đại biểu chất vấn về mức giá cao của nguyên liệu đầu vào
Còn về giải pháp khi giá xăng dầu tăng cao, chia sẻ với ngư dân bám biển, Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế.
"Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế", Bộ trưởng nói.
"Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển", ông Diên nói thêm.
Trước đó theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, thời gian qua nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao, một số dân miền Trung lại phải cho tàu nằm bờ.
"Đặc biệt, một số chủ tàu cá mặc dù biết là gặp khó khăn trong việc đối đầu với thua lỗ nhưng đều lựa chọn bám biển để mưu sinh cho gia đình. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương để có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển và đặc biệt có hiệu quả kinh tế?", đại biểu chất vấn.
Tags:Đọc báo
báo điện tử dantri
Kinh doanh
Tin cùng chuyên mục