28/06/2024 14:48

Anh nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng cây cho ra “vàng đen”

Nông dân Lê Quang Hoản (SN 1974, ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có thu nhập khấm khá nhờ trồng loại cây gia vị quen thuộc.

Theo báo Quảng Bình, trước khi trở thành "vua tiêu", cuộc đời của anh Lê Quang Hoản (SN 1974) ở thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy (Lệ Thủy) cũng “sóng gió” như nhiều thanh niên khác trong làng.

Nuôi mộng thoát nghèo và đổi đời, năm 18 tuổi, Hoản quyết rời quê, bắt xe vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin làm “thủy thủ” trên tàu đánh bắt cá xa bờ.

“Thủy thủ” là nói cho sang miệng, chứ thực ra là tay “thợ đụng”, có nghĩa là việc gì cũng đến tay mình. Công cán được chủ tàu tính bằng điểm. Điểm càng cao, công được trả càng lớn. Nói chung thu nhập từ việc làm thuê đánh bắt cá xa bờ cũng đủ sống, hàng tháng có dư giả thì gửi tiền về cho gia đình. Ngày ấy, giữa mênh mông đại dương chỉ toàn nước với con cá, con tôm, con mực đánh bắt được. Bạn bè của tôi, ngoài bạn thuyền còn có chiếc radio luôn bên người để nghe những thông tin từ đất liền…”, anh Quang Hoản tâm sự.

Năm 1997, sau bao lần gia đình thúc giục, Hoản trở về quê lấy vợ. Vợ anh, giờ là cô giáo mầm non ở địa phương. Quang Hoản có hai đứa con, đứa đầu đang theo học đại học, đứa sau đang học năm cuối THCS.

“Nói thật, ngày đó tôi "nghiện" nghe radio lắm. Chuyện tôi bỏ tàu đánh bắt xa bờ trở về quê có công rất lớn từ chiếc radio này. Ngày đó, tôi chủ yếu nghe các chuyên mục về nhà nông của đài Tp. Hồ Chí Minh. Qua radio, tôi được nghe các chuyên gia hướng dẫn cho bà con nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì để thoát nghèo. Mê nhất là các chuyên gia hướng dẫn việc nuôi dê sinh sản để làm giàu. Và từ đó, tôi trở về quê, quyết chí làm giàu…”, anh Hoản nhớ lại.

Bao năm làm thuê tích góp được chút tiền mua chiếc xe máy, anh Hoản quyết định bán đi để lấy tiền mua dê. Đầu năm 2003, anh Hoản cầm 15 triệu đồng mua 12 con dê ở một số địa phương lân cận trong vùng về nuôi. Từ chỗ đàn dê có 12 con, sau gần 2 năm nuôi sinh sản, số lượng đã lên 40 con. Tuy nhiên, năm 2004, khi đàn dê chuẩn bị xuất chuồng thì đột nhiên, chỉ sau một đêm, 30 con dê khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra chết do bệnh tụ huyết trùng cấp tính.

Giấc mộng đổi đời, làm giàu của Lê Quang Hoản ngày đó vụt tắt đến nhanh chóng và không ai ngờ. Hơn 1 năm sau, anh lại khăn gói vào miền Nam tiếp tục làm thuê kiếm sống, nuôi gia đình. Đến năm 2006, anh Hoản lại trở về quê với giấc mơ vườn rừng, trong đó tập trung vào cây tiêu của gia đình.

Anh nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng cây cho ra “vàng đen”

Nông dân Lê Quang Hoản (ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bên vườn tiêu. Ảnh: Dân Việt

Trò chuyện với Dân Việt, anh Hoản chia sẻ, những ngày đầu, anh chỉ mua 2 bầu tiêu giống về trồng thử, thấy cây hợp đất nên anh quyết định mua thêm vài trăm bầu tiêu.

Anh Hoản cho biết: "Cây tiêu được trồng theo quy trình hữu cơ, thuận tự nhiên, trên vùng đất đỏ bazan với nền khí hậu khắc nghiệt. Hơn nữa, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước tưới tinh khiết từ hồ Bàu Sen nên hạt tiêu nhỏ, thơm, cay nồng hơn so với tiêu ở các địa phương khác".

Đến nay, với diện tích 0,5ha vườn đồi, anh Hoản đã trồng hơn 200 gốc tiêu, cây nào cũng mọc xum xuê, ôm trọn cây lồng mức (thứ cây để thân cây tiêu quấn vào). Đến mùa, lá xanh vươn mình, những nhánh tiêu cho trĩu hạt.

Anh Hoản cho biết: “Ngày trước, hạt tiêu người dân Sen Thủy làm ra đều được các thương lái ở Quảng Trị ra thu mua với giá khá thấp. Qua tìm hiểu tôi biết được, họ thu mua tiêu ở địa phương mình về để chế biến sâu hơn, rồi sau đó xây dựng thành sản phẩm tiêu của cơ sở họ. Nghĩ đến chuyện này cảm thấy rất giận, vì thế, mình phải quyết tâm, giành tất cả công sức để xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu Sen Thủy…”.

Để khẳng định giá trị, đưa thương hiệu hạt tiêu Sen Thủy vươn xa. Năm 2019, anh Hoản rủ nông dân trong vùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh nông sản sạch Sen Thủy, với 15 thành viên, chính anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX.

Hiện, HTX có 8ha diện tích đất trồng tiêu, trong đó có 3ha tiêu hữu cơ và liên kết 10ha với 50 hộ dân ở các xã Sen Thủy và Thái Thủy và sẽ liên kết thêm 30 hộ, mỗi hộ có diện tích 0,5ha tại các xã Mai Thủy, Phú Thủy.

Anh nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng cây cho ra “vàng đen”

Sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh của HTX do anh Hoản làm chủ đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2023. Ảnh: báo Quảng Bình.

Anh Lê Quang Hoản cho biết: "Sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh Quảng Bình năm 2023".

"Tôi thường tới các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh và luôn tự hào nói rằng, làm ra hạt tiêu đạt OCOP 4 sao không chỉ lợi nhuận, đó còn là tình yêu quê hương.

Để nói về hạt tiêu Sen Thủy, nó đã xuất hiện hơn 2 thập kỷ trước, rất thơm, cay nồng, làm gia vị cho món ăn là miễn chê. Thế nhưng, rất ít người biết đến, nhiều đêm trăn trở, tôi mới quyết định dành tiền bạc, công sức để làm ra thứ hạt tiêu chất lượng, không chỉ vươn mình ở ngoại tỉnh mà còn xuất đi nước ngoài", anh Hoản cho hay.

Anh nông dân kiếm 1 tỷ đồng/năm nhờ trồng cây cho ra “vàng đen”

Khi quét mã QR trên bao bì sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh sẽ hiện ra thông tin về sản phẩm và các di tích, danh lam thắng cảnh ở Quảng Bình. Ảnh: Dân Việt

Trên bao bì của sản phẩm hạt tiêu sấy lạnh vừa có tiếng Việt và tiếng Anh, đặc biệt, mã QR không chỉ để truy xuất nguồn gốc, giới thiệu sản phẩm mà còn hiện thông tin các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Quảng Bình, như: Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Quảng Bình Quan; Hoang Sơn Đòong...

"Để nâng tầm sản phẩm, HTX đã không ngừng đầu tư mua máy móc trang thiết bị hiện đại. Mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 15 tấn tiêu khô, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời là HTX đầu tiên, duy nhất tại tỉnh Quảng Bình sản xuất hồ tiêu theo chuỗi liên kết, khép kín từ vườn hộ đến cơ sở, áp dụng công nghệ chế biến hiện đại của Nhật Bản”, anh Lê Quang Hoản chia sẻ.

Minh Hoa (t/h)

Tags:

cây gia vị

quen thuộc

hạt tiêu

Quảng Bình

Tin cùng chuyên mục